Khó tiêu, buồn nôn sau khi ăn có thể là những dấu hiệu của chứng bội thực. Điều đáng ngại là bội thực đang ngày càng phổ biến, đặc biệt ở những người trẻ. Ở bài viết sau, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về chứng bội thực là gì, dấu hiệu cũng như cách chữa khi bị bội thực.
Bội thực là gì?
Bội thực thức ăn là một triệu chứng có thể xảy ra ở bất kỳ người nào, độ tuổi nào do ăn hoặc uống quá nhiều. Bội thực cũng có thể là dấu hiệu của một số căn bệnh như trào ngược dạ dày thực quản (GERD), loét hoặc bệnh túi mật.
Bội thực cũng được gọi là khó tiêu, đó là một cơn đau dằng dai hoặc tái phát rất khó chịu ở vùng bụng trên.
Dấu hiệu bội thực
Các triệu chứng của bội thực bao gồm những khó chịu rõ ràng nhưng đôi khi cũng rất mơ hồ, thường xảy ra ở bụng trên với mức độ từ nhẹ đến nặng.
Điển hình là các dấu hiệu như: cảm giác nóng rát, buồn nôn, nôn ói, đầy hơi, ợ hơi và cảm thấy no sớm ngay đầu bữa ăn hay khó chịu sau bữa ăn.
Các triệu chứng này thường xuyên đến và đi, có lúc xảy ra trong nhiều ngày liên tục hoặc thỉnh thoảng mới xảy ra một đợt. Biểu hiện sẽ tồi tệ hơn sau khi ăn một bữa ăn quá no, ăn quá nhanh hay ăn ngay trước khi đi ngủ; hoặc người bệnh đang có những căng thẳng và rối loạn tâm lý. Lúc này, người bệnh cảm giác cơn đau xuất phát từ vùng bụng trên, lan đến giữa ngực, vùng phía sau xương ức, vào cổ hoặc qua lưng. Bệnh này rất dễ nhầm lẫn với các cơn đau do tim mạch, đòi hỏi người bệnh phải nhập viện để được can thiệp.
Nguyên nhân bội thực
Nguyên nhân của chứng bội thực hiện nay vẫn chưa rõ ràng. Một số bệnh nhân có thể mắc chứng này khi có chung nguyên nhân với hội chứng ruột kích thích. Đa phần các bằng chứng đều ủng hộ giả thiết nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori gây ra chứng bội thực. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa cho thấy liệu pháp diệt HP có lợi ích gì trong cải thiện các triệu chứng bội thực nêu trên.
Dưới đây là một số yếu tố được ghi nhận là có thể làm cho các triệu chứng bội thực dễ trở nên nặng hơn:
- Thực phẩm và lối sống: Thực phẩm có thể làm cho các triệu chứng bội thực tồi tệ hơn gồm có caffeine, thức ăn cay, nóng, chua, béo, có mùi vị bạc hà, đồ uống có gas, có cồn, cà phê và cả socola…Ngoài ra, lối sống thiếu lành mạnh, thường xuyên hút thuốc, uống rượu, thể trạng thừa cân, thường xuyên gặp stress cũng khó tránh khỏi các triệu chứng bội thực
- Thuốc: Gồm các loại thuốc chống viêm (ví dụ: naproxen, ibuprofen và aspirin) và các loại thuốc ảnh hưởng đến vận động thực quản (nitrat). Ngoài ra, còn nhiều loại thuốc cũng có thể gây tác dụng phụ bội thực như một số họ kháng sinh, sắt, steroid, chất đối kháng canxi, theophyllines và bisphosphonates. Nếu lo ngại các loại thuốc có thể gây ảnh hưởng đến đường ruột, hãy cho bác sĩ của bạn biết điều này để được bổ sung thêm các loại thuốc hỗ trợ hệ tiêu hóa
- Hội chứng ruột kích thích: Có đến 1 trong 3 người mắc chứng bội thực cũng bị hội chứng ruột kích thích đồng thời. Các triệu chứng của hội chứng này gồm có đau bụng, đầy hơi, thay đổi tần suất và tính chất đại tiện, cảm giác vẫn còn tồn dư sau đi đại tiện.
Bị bội thực nên làm gì?
Khi gặp dấu hiệu của bội thực, nên đi khám càng sớm càng tốt. Quy trình khám bội thực như sau:
- Các bác sĩ sẽ hỏi bạn một vài câu hỏi về các triệu chứng, bệnh sử của bạn và cũng có thể sẽ kiểm tra dạ dày và ngực bạn. Họ cũng có thể thực hiện một số xét nghiệm để hiểu thêm về tình trạng bệnh của bạn cũng như loại trừ các bệnh khác gây ra chứng bội thực.
- Nội soi: được thực hiện khi có sự đồng ý của bệnh nhân. Nội soi sẽ đưa một ống mỏng dài cùng với máy ảnh vào dạ dày để tìm hiểu bên trong một cách chi tiết
- Kiểm tra pylori H(s): nhóm các xét nghiệm được dùng để tìm ra H pylori. Chúng bao gồm các xét nghiệm máu, xét nghiệm kháng nguyên phân, xét nghiệm hơi thở.
- Xét nghiệm chức năng gan: gan sản xuất mật – chất lỏng sử dụng để phá vỡ các chất béo. Có vấn đề ở gan có thể làm giảm sự sản xuất mật và dẫn đến chứng bội thực
- X-quang và siêu âm bụng: để kiểm tra xem có sự tắc nghẽn nào trong dạ dày của bạn hay không
Cách chữa bội thực
Bạn nên có lối sống khoa học và và áp dụng các biện pháp sau để đối phó với chứng ăn bội thực:
- Ăn lượng thức ăn vừa phải cho mỗi bữa, không nên ăn quá nhiều
- Tránh ăn đêm quá muộn nếu bạn bị bội thực lúc đêm
- Tránh các thức ăn cay, giày chất béo có thể kích thích chứng ợ nóng
- Ăn chậm nhai kỹ
- Bỏ hoặc giảm hút thuốc lá
- Giữ cân nặng ổn định trong ngưỡng an toàn
- Giảm lượng cà phê, nước có ga và rượu
- Trao đổi với bác sĩ của bạn để thay thế các loại thuốc gây kích ứng niêm mạc dạ dày như aspirin và NSAIDs
- Giảm bớt áp lực, stress trong cuộc sống hàng ngày.
Với những thông tin trên đây hy vọng đã giúp bạn đọc hiểu được bội thực là gì, nguyên nhân, dấu hiệu cũng như biết cách phải làm gì khi bội thực. Bạn cần đặc biệt quan tâm đến các triệu chứng ban đầu của bội thực, tránh để chúng kéo dài dai dẳng. Hãy đến gặp bác sĩ sớm nhất để tìm ra nguyên nhân và chữa trị dứt điểm.